CHÚA BAN ÂN SỦNG GIA ĐÌNH LUÔN HẠNH PHÚC * MẸ THƯƠNG TRỢ GIÚP CẢ NHÀ MÃI AN VUI

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

BỔN PHẬN CỦA CHA MẸ VỚI CON CÁI



Chuyên đề: BỔN PHẬN CỦA CHA MẸ VỚI CON CÁI





      Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái được thể hiện qua việc xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc dựa trên tình yêu thương âu yếm, lòng tha thứ, sự tôn trọng lẫn nhau và phục vụ vô vị lợi.
      Công đồng Vaticanô II đã ngỏ lời với các bậc làm cha mẹ: “Vì đã lãnh nhận ân sủng cũng như bổn phận của Bí tích Hôn phối nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ”. Cha ông chúng ta cũng thường nói:
“Uốn cây từ thuở còn non
Dạy con từ thuở con còn đương thơ”
       Vậy bổn phận của cha mẹ với con cái là gì? Con xin phép được nêu lên bốn nội dung công việc mà cha mẹ cần phải thực hiện để xây dựng hạnh phúc gia đình và giúp cho con cái nên người hữu dụng cho Giáo hội cũng như xã hội.

      1- Nuôi dưỡng và giáo dục con cái
       Con cái là kết quả tình yêu của cha mẹ. Do vậy, sau khi sinh con ra, cha mẹ có bổn phận phải lo lắng đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng, nghĩa là cho con cái ăn mặc đầy đủ. Đồ ăn thức uống phải sạch sẽ, hợp vệ sinh. Áo quần phải lành lặn như tực ngữ đã dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Ngoài ra, cha mẹ còn phải tìm thày chạy thuốc, tùy theo khả năng của mình, mỗi khi con cái đau yếu. Đây là một công việc tương đối khá nặng nhọc, nhưng với tình yêu thương, cha mẹ sẽ không bao giờ kể công khó về những nặng nhọc ấy. Tiếp đến là bổn phận giáo dục: nuôi dưỡng mà thôi chưa đủ, vì sinh con không giống như sinh vật. Nuôi một con heo, chúng ta chỉ cần đổ cám vào máng cho nó ăn là đủ, nhưng với con cái thì khác. Nuôi dưỡng đã đành, mà còn phải giáo dục con cái nữa, vì như tục ngữ đã bảo: “Sinh con không dạy, không răn – Thà rằng nuôi lợn mà ăn lấy lòng”. Người Pháp thường nói: “ Đẻ con mà không dạy là cung cấp cho xã hội một bày trộm cướp”. Đúng thế, một đứa bé, nếu được bảo ban hướng dẫn, chắc chắn nó sẽ trở nên một con người hữu ích, bằng không, nó chỉ là một kẻ chẳng ra gì.
2-    Thương yêu, tôn trọng và đối xử công bằng với con cái
* Thương yêu con cái: Cha mẹ luôn là người thể hiện tình yêu thương con cái hơn ai hết, bởi con cái được cha mẹ sinh thành ra. Sự yêu thương của Cha mẹ được biểu hiện qua sự chăm nom, săn sóc, khích lệ, động viên khi con cái có được những kết quả trong học tập hay công ăn việc làm và cũng sẵn sàng an ủi sẻ chia khi con cái gặp những khó khăn trở ngại
* Tôn trọng con cái: Cha mẹ nên biết và hiểu rằng:  con cái cũng có cuộc đời riêng của chúng, chúng có những sở thích riêng khác hẳn với cha mẹ thời còn trẻ, thế nên đừng mặc định cho mình cái quyền được lựa chọn thay con cái. Hãy tôn trọng lắng nghe những suy nghĩ, ước muốn, lời nói của con cái để chúng được làm những việc chúng mong muốn. Có như vậy con cái mới lớn lên được. Hãy là người đưa đường chỉ lối cho con chứ  đừng bao giờ trở thành người vùi lấp ước mơ của con trên đường đời.
* Đối xử công bằng với con cái: Sự so sánh và đối xử không công bằng sẽ khiến trẻ bị tổn thương. Ban đầu nếu cha mẹ đối xử không công bằng với những người con khác, đứa trẻ đó sẽ cảm thấy cha mẹ không yêu thương chúng, dẫn đến tị nạnh với những anh em khác. Bên cạnh đó chúng sẽ sống khép mình hơn nếu tình trạng kéo dài sẽ khiến chúng bị trầm cảm và tự kỷ. Cha mẹ sinh con ra hãy đối xử công bằng với nhau, tuy không cào bằng cách đối xử nhưng hãy công bằng trong tình cảm. Như thế chúng sẽ lớn lên mà không có chút hờn ghen nào.

3-    Giáo dục và làm gương sáng cho con cái noi theo về đời sống đức tin và về nhân bản
          * Về giáo dục đức tin: Là người có đạo, ngoài nền giáo dục nhân bản, Cha mẹ còn phải cho con cái nền giáo dục Công giáo, nghĩa là ngay từ hồi còn tấm bé, đã phải dạy cho con cái biết “Mến Chúa, yêu người”, biết tuân giữ những giới luật của Chúa, siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể để con cái trở thành những Ki-tô hữu đích thực. Cha mẹ giáo dục đức tin cho con cái bằng chính việc làm gương sáng cho con cái neo theo được thể hiện qua lời nói, việc làm mẫu mực và tốt đẹp. Song song đó là việc tổ chức các giờ kinh chung trong gia đình vào thời gian thuận tiện, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của gia đình. Nên duy trì những giờ kinh tối để tạ ơn Thiên Chúa sau một ngày sinh sống, học tập và làm việc. Ngoài ra, cha mẹ còn phải hướng dẫn day bảo con cái về giáo lý, Thánh Kinh và nhắc nhở, tạo điều kiện cho con cái tham gia vào các Hội Đoàn trong Giáo xứ như: TNTT, giới trẻ, các lớp giáo lý cũng như các Hội Đoàn khác phù hợp với nguyện vọng của các em
          
        * Về giáo dục nhân bản phải bao gồm cả ba phương diện: đức dục, trí dục và thể dục
            - Về đức dục: cần phải loại bỏ những thói hư tật xấu, luyện tập những đức tính tốt, nhất là bốn nhân đức trụ cột làm nền tảng cho những nhân đức khác, đó là: khôn ngoan, công bằng, tiết độ và dũng cảm
            - Về trí dục: Tạo điều kiện cho con cái được đến trường học tập, không để chúng bỏ học hay lười học. Nếu chúng muốn học thêm các lớp năng khiếu như tin học, âm nhạc, hội họa, ngoại ngữ … thì cũng cần giúp đỡ và có sự quan tâm để ý để đạt kết quả tốt đẹp. Ngoài ra khi con cái khôn lớn, trưởng thành cũng cần cho chúng học các lớp nghề nghiệp, để chúng có thể sống tự lập, xây dựng tương lai cho cuộc đời mình và cũng là để góp phần xây dựng xã hội
             - Về thể dục: Cha mẹ cần quan tâm dạy con cái biết giữ gìn sức khỏe, vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung ở gia đình cũng như những nơi công cộng

4-    Tìm hiểu và hướng dẫn con cái lựa chọn nghề nghiệp hay bậc sống
           Khi đến tuổi trưởng thành, con cái có bổn phận và có quyền chọn lựa nghề nghiệp và bậc sống. Cha mẹ cần phải tìm hiểu con cái, biết được chúng nghĩ gì, muốn gì, nói gì và làm gì để hướng dẫn, giúp đỡ một cách hữu hiệu nhất. Điều gì tốt nơi con cái, cần duy trì và cổ võ để phát triển thêm lên, điều gì xấu, lo nhắc nhở và sửa sai bằng những lời lẽ ôn tồn và tế nhị, thành thực và yêu thương. Tránh ép buộc con cái trong việc chọn nghề cũng như trong việc chọn người bạn đời. Dù phải dè dặt, cha mẹ vẫn có thể giúp đỡ con cái bằng những ý kiến khôn ngoan, nhất là khi con cái chuẩn bị lập gia đình hay có ước nguyện dâng mình cho Chúa.

          Tóm lại để hoàn thành nhiệm vụ làm cha mẹ đã được Thiên Chúa trao ban, cha mẹ đều phải có trách nhiệm giáo dục con cái như: đồng tâm nhất trí với nhau; nêu gương trước những gì mình muốn truyền đạt; tạo bầu khí yêu thương thân thiện trong gia đình;  tìm hiểu hướng dẫn con cái một cách chân thành yêu thương; kiên trì nhẫn nại, không nóng nẩy bực dọc hay gay gắt với con cái và cuối cùng là luôn cầu nguyện cho gia đình, cho chính mình và cho con cái.
Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Hòa Bình Tân Hiệp
Ngày 27 tháng 01 năm 2014 (27 tháng chạp năm Quý Sửu)
HỌP MẶT HUYNH TRƯỞNG
LIÊN ĐOÀN EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG
GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]