Gia đình tôi đến định cư tại ấp B2 vào những
năm cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Cha Mẹ tôi chỉ có một ngôi nhà lá
đơn sơ với vài công ruộng. Nghe Cha tôi kể lại thời gian này gian nan vất vả
lắm, hàng ngày phải ra ruộng khai hoang cuốc đất làm cỏ để có đất canh tác
trồng lúa; đường xá đi lại thì nhỏ hẹp, lầy lội nhất là về mùa mưa. Rồi hằng
năm vào khoảng tháng 9, 10 và 11, nước lũ từ đầu nguồn sông Cửu Long tràn về:
ruộng đồng, vườn tược, đường đi lối lại, nhà cửa đều một màu trắng toát của
biển nước mênh mông; muốn đi từ nhà này sang nhà khác phài dùng tới xuồng, ghe
hay thuyền, có khi dùng những cái bè được kết lại bằng những cây chuối chông
chênh chồng chềnh, đứng không khéo là té ngay xuống nước. Nhưng bù lại thì cá
tôm rất nhiều, chỉ cần cầm cần câu thả xuống nước nửa tiếng đồng hồ là có thể
bắt được vài chục con cá ngon lành; còn nếu giăng lưới, đặt lờ, đơm đó thì bắt
được nhiều cá hon. Tất cả đồ ăn thức uống đều vận dụng từ “cây nhà lá vườn”,
chẳng có thời gian đi chợ vì bận rộn công việc, hơn nữa chợ cách xa nhà gần
mười cây số, thôi thì có sao dùng vậy, thế mà ai cũng khỏe mạnh, chẳng ốm
đau bệnh tật gì
Nói về việc
học hành của bọn trẻ chúng tôi lúc bấy giờ thì thật là vui, học ngay tại nhà
tôi do chú tôi dạy, bàn ghế thuộc loại “thập cẩm” của đứa nào đứa ấy mang tới,
lớp học khoảng mười mấy đứa, chúng tôi học chủ yếu là các môn tập viết, chính
tả và làm toán cộng trừ nhân chia. Giờ ra chơi chúng tôi ra sân chơi cù, đánh khăng,
bắn bi, các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, mèo đuổi
chuột... hoặc chạy ra sau vườn nô giỡn rón chuồn chuồn, bắt bướm; có hôm mải
đuổi bắt bướm, tôi té nhào xuống ao chìm lỉm, mãi sau mới ngoi lên được, mặt
tím ngắt không còn giọt máu. Rồi có những hôm không thuộc bài bị chú tôi bắt
nằm lên bàn đánh cho vài roi, tuy không đau lắm thế mà tôi biết chăm chỉ học
tập hơn.
Sau đó vài
năm ở ấp tôi có trường tiểu học, tôi cùng bọn trẻ rủ nhau đi học tại ngôi
trường mới này. Nhưng việc đi lại vất vả lắm vì nhà xa trường tới hơn 2 cây số,
mỗi khi trời mưa thì càng khó khăn hơn vì đường trơn trượt, nhiều hôm chúng tôi
té ngã dơ hết cả quần áo tập vở mà vẫn vui vẻ đến trường, lấy nước gột sơ
qua rồi vào học, Thầy Cô cũng thông cảm và còn thương chúng tôi nhiều hơn nữa.
Năm năm học ở bậc tiểu học, tôi cũng có khá nhiều bạn mà cho đến hôm nay tôi
chẳng hề quên với biết bao kỷ niệm, chúng tôi chơi rất thân với nhau, xem nhau
như anh chị em ruột trong gia đình, có gì cũng chia sẻ cho nhau, từ những đồ
chơi, cái bánh, viên kẹo, cuốn tập, cây bút, giọt mực... Ngoài giờ
học, chúng tôi còn đến nhà nhau chơi rất thân thiện và vui vẻ
Tôi còn tham
gia sinh hoạt thiếu nhi, vui ơi là vui! Tôi vẫn nhớ như in những lần tổ chức
cắm trại hay hội chợ vui xuân, biểu diễn văn nghệ vào dịp tết nguyên đán, tết
trung thu...
vui biết bao không thể nào kể xiết cho được, vui nhất là đốt lửa trại, tha hồ
mà ca hát nhẩy múa tưng bừng, rồi đến việc tham gia trò chơi lớn, đi tìm mật
thư trong đêm tối, chúng tôi phải nắm tay níu áo nhau để khỏi bị thất lạc hoặc
đi trên cầu bằng dây bắc ngang sông, ai khéo lắm mới qua được, phần nhiều là
rớt xuống sông, ướt át, lạnh lẽo, thế mà cứ thích chơi ... Nhiều lúc nhớ lại
tôi cảm thấy tiếc nuối nhớ nhớ thương thương thật nhiều và thật là nhiều.
Bây giờ, tôi
không còn ở ấp B2 nữa, vì gia đình tôi đã chuyển dời đi nơi khác nhưng lòng tôi
luôn hướng về đó, nơi tôi đã được học tập, sinh hoạt thiếu nhi để được khôn lớn
và trưởng thành. Mỗi dịp trở về quê hương, tôi thường đến nhà thờ để cầu nguyện
và tưởng nhớ đến Tổ tiên, Ông Bà, Cha Mẹ và các Vị Tiền bối, trong đó có Thầy
Phạm văn Lịch vừa là Thầy dậy tôi những năm ở tiểu học và cũng là Sư huynh
trong giới thiếu nhi mà tôi đã được may mắn sinh hoạt nhiều năm, Thầy đã trau
dồi cho tôi rất nhiều về kiến thức và đời sống đạo đức.
Ấp B2 ngày
nay đã thay đổi rất nhiều so với ngày tôi còn ở đó, nhiều nhà được xây dựng mới
khang khang đẹp đẽ, trường học được sửa chữa nâng cấp, đường xá được mở rộng,
bê tông hóa, xe bốn bánh đi lại dễ dàng thuận tiện, muốn đi lên thành phố Hồ
Chí Minh hoặc bất cứ nơi nào chỉ cần điện thoại là xe đến đón tận nhà, không
còn cái cảnh lội bộ gần chục cây số ra tới đầu kênh, qua đò rồi mới lên xe như
trước đây nữa; điện ánh sáng và hệ thống truyền thanh đã được phủ kín toàn ấp;
nhiều cây cầu tre, cầu gỗ, cầu khỉ đã được thay thế bằng cầu xi măng rộng rãi.
Hầu như nhà nào cũng có điện thoại và nhiều nhà đã kết nối mạng internet. Hoạt
động xã hôi ngày thêm phong phú như công tác từ thiện bác ái, giúp đỡ gia đình
khó khăn, người già lão, thăm hỏi chăm sóc kẻ đau ốm bệnh tật. Tinh thần đoàn
kết yêu thương được mở rộng , tình làng nghĩa xóm, nhà nhà được điểm son khởi
sắc.
Quê tôi
thuộc ấp B2
Thân thương
trìu mến, nối dài vươn cao
Yêu thương
chan chứa dạt dào
Đoàn kết thân
ái, dâng trào hân hoan
Cuộc sống tốt
đẹp vô vàn
Kính Chúa yêu
nước dâng trào muôn nơi
Nguồn vui
sống động sáng ngời
Yêu thương
hiệp nhất, cuộc đời đẹp tươi
Nhân dân hớn
hở mỉm cười
Thôn ấp xây dựng gấp mười
lần qua
Mọi người rộn rã hoan ca
Từ thiện bác ái thật là hăng say
Vươn lên đổi
mới hằng ngày
Khang an thịnh
vượng, tràn đầy niềm tin
Thành tâm ước
nguyện cầu xin
Quê hương
phát triển, muôn tim nhịp nhàng
Ngày thêm
rạng rỡ huy hoàng
Cuộc sống
tươi đẹp lại càng văn minh
Đan tay hiệp
nhất chung tình
Quê hương vẫn mãi dáng hình thân thương
Quê hương vẫn mãi dáng hình thân thương
VINH SƠN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]